Mùa xuân những năm 1960, khi còn làm nhiệm vụ tại hàng rào Khu phi quân sự, tôi thỉnh thoảng hay tìm đến con sông không dấu chân người gần đó và đắm mình trong khung cảnh tươi đẹp cho đến khi đôi mắt chói lòa. Hoa đỗ quyên hồng nở rộ dưới vách đá, đám cỏ dại mọc um tùm ven hàng rào hình chữ nhật trên bờ sông, nơi trước chiến tranh đã từng có những ngôi làng, hoa đào và hoa mở nở lác đác chỗ này chỗ kia. Cho đến bây giờ, khi người lính sinh viên thuở đó đã bước vào tuổi xế chiều, Nam Bắc vẫn trong chia cắt, đối đầu. Nhưng bao trùm lấy sự tĩnh mịch ấy, bờ sông bên kia hoa vẫn nở và trái vẫn đơm từng mùa.
ⓒ Park Jong-woo
Theo Hiệp định đình chiến có hiệu lực từ ngày 27 tháng 7 năm 1953, ba năm sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, hai miền đã vạch ra Đường phân giới quân sự (MDL) dài khoảng 240 ki-lô-mét từ đông sang tây, chia đôi bán đảo Triều Tiên. Từ đó, một vùng đệm được thiết lập để ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự trong phạm vi hai ki-lô-mét ở cả hai miền tính từ đường phân giới. Đó chính là Khu phi quân sự Bán đảo Triều Tiên, trải rộng trên diện tích khoảng 907 ki-lô-mét vuông, nơi mỗi bên đều xây những hàng rào sắt cao chót vót và quân đội Nam Bắc vẫn trong thế đối đầu. Mặc dù các hoạt động quân sự bị cấm nhưng khu vực trải đầy bom mìn này lại là không gian đụng độ sát phạt duy nhất trên thế giới còn tồn tại những di sản nguy hiểm của Chiến tranh Lạnh. Tại Đường phân giới Quân sự có một khu vực hình tròn bán kính 400 mét do quân đội Nam Bắc Triều Tiên và Liên Hợp Quốc cùng bảo vệ, đồng thời, khu Bàn Môn Điếm nổi tiếng ngày nay vẫn đang thu hút sự chú ý của thế giới. Ngoài ra, bên ngoài Khu phi quân sự khoảng 10 ki-lô-mét theo hướng bắc-nam, người ta còn dựng hàng rào sát để ngăn chặn sự qua lại, ra vào của người dân, gọi là Đường kiểm soát quân sự. Tuy nhiên, theo Hiệp định đình chiến, bên trong khu vực này vẫn có cư dân sinh sống tại làng Daeseong-dong của miền Nam và làng Kijong-dong của miền Bắc.
Không có sự sống con người, Khu phi quân sự có số lượng di sản thiên nhiên vô cùng phong phú và hệ sinh thái đa dạng lớn nhất cả nước. Đây là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật có vú và loài chim có nguy cơ tuyệt chủng. Vào những ngày đầu tháng 10, hàng nghìn con sếu trắng tìm đến đồng bằng Cheolwon phía Bắc Đường kiểm soát Dân sự để tránh cái lạnh giá của Siberia và nhặt những bông lúa rơi rụng trên cánh đồng. Đầu tháng 11 là lúc chim hạc, loài chim được xem là mang đến điểm tốt lành nhất của dân tộc Hàn Quốc, tìm về đây. Chẳng có đôi cánh nào như tôi, chỉ biết ngước nhìn những đàn chim di cư hàng nghìn con bay xuống vùng biên giới Nam Bắc Triều Tiên như một bức tranh, và rồi vẽ lên một giấc mơ về ngày thống nhất chưa có lời hẹn trước. Khi ấy, bên trong đường rào sắt kia sẽ trở thành công viên sinh thái hoà bình.