메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Entertainment

2023 WINTER

THẾ GIỚI MỚI CỦA “PPONG” DO 250 TẠO NÊN

250 đã tái sinh ppongjjak - thể loại nhạc mang đậm tính Hàn Quốc nhất nhưng lại bị mọi người ngoảnh mặt và chế nhạo - theo một phương thức mới. Vượt ra ngoài giới âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, album “Ppong” (2022) chứa đựng thế giới âm nhạc kiên cố của anh đã được thế giới chú ý đến, và giờ đây 250 vẫn tiếp tục mở rộng lĩnh vực ấy.

1_ent-1.png

Ca sĩ, DJ, nhạc sĩ và nhà sản xuất 250 chắc chắn là nhân vật chính nổi bật trong làng âm nhạc đại chúng Hàn Quốc trong năm 2023. Anh đã diễn giải thể loại “Ppong”, một tình cảm độc đáo của người Hàn Quốc theo một cách mới và tạo ra thế giới âm nhạc của riêng mình.
© Beasts And Natives Alike

Món mì ramyeon có sức quyến rũ của nước mì cay và sợi mì loăn xoăn nóng vừa thổi vừa ăn. Hãy tưởng tượng rằng đây là lần đầu tiên bạn thử nấu ramyeon Hàn Quốc. Đun sôi một lượng nước vừa phải, thêm gói phụ liệu khô và mì... nhưng ôi thôi, bạn quên mất việc cho gói gia vị màu đỏ là cốt lõi của hương vị ramyeon. Liệu đó có thể được gọi là ramyeon Hàn Quốc? Cũng tương tự việc không thể bàn luận về mùi vị của ramyeon mà bỏ qua gói gia vị quan trọng nhất trong món này, từ năm ngoái đến nay có một nhân vật quan trọng mà ta không thể bỏ qua khi nói về âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Đó chính là 250, một nhạc sĩ và cũng là nhà sản xuất.


Nghệ sĩ âm nhạc của năm không cần tranh cãi
Anh ấy hiện là nhân vật cay và “hot” nhất ở Hàn Quốc. Đó là bởi hai lý do. Thứ nhất, 250 đã càn quét bốn hạng mục tại Giải thưởng Âm nhạc đại chúng Hàn Quốc lần thứ 20, vốn được xem là Giải Grammy của Hàn Quốc, như Album của năm và Nhạc sĩ của năm - các giải thưởng danh giá nhất, Album điện tử hay nhất và Bài hát điện tử hay nhất cho “Ppong”, album đầu tay chính thức được phát hành vào năm ngoái và nhận được đánh giá cao. Thứ hai, anh là nhà sản xuất âm nhạc đã tham gia vào quá trình sáng tạo cho nhiều bài hát của NewJeans, tân binh K-pop đã làm đảo lộn thế giới âm nhạc Hàn Quốc chỉ sau một năm kể từ khi ra mắt.

250 đã dựa trên ppongjjak, một thể loại âm nhạc bị chê bai là lỗi thời ở Hàn Quốc, thêm vào đó các yếu tố của nhạc điện tử và hip-hop để tạo ra thành phẩm hết sức độc đáo.

Gặp gỡ tại studio ở Yongsan-gu, Seoul, 250 hỏi phóng viên đã xem bộ phim “Cửa sổ phía sau” (Rear Window, 1954) của đạo diễn Alfred Hitchcock (1899-1980) chưa với nét mặt nghiêm túc đặc trưng. Anh ấy nói rằng sự bắt đầu của tất cả mọi thứ đều từ bộ phim này và tiếp nối câu chuyện với biểu cảm nghiêm túc.

“Tôi đã cố gắng khám phá bản chất của ppongjjak trong nhiều năm và thử kết hợp nó vào âm nhạc của mình, nhưng không dễ để tìm ra câu trả lời. Trong quá trình đi tìm lời giải đáp, tôi đã có được cảm hứng từ bộ phim “Cửa sổ phía sau” và sáng tác bài hát “Cửa sổ phía sau” (đĩa đơn năm 2018) với cảm giác giống như “Ppong” và “phi Ppong” (không phải Ppong – chú thích của người dịch) đối diện nhìn nhau qua một cửa sổ trong suốt.”

“Ppong” và “phi ppong”, quá khứ và hiện tại, hiện đại và nhà quê... những thứ đối mặt nhau từ xa... và “Cửa sổ phía sau” siêu hình học là từ khóa mô tả thế giới âm nhạc của 250.

“‘Ppong’ là một từ ngữ có chiều sâu khó tả. Nó truyền cảm hứng đặc biệt cho người Hàn Quốc ở nhiều mặt. Từ “ppongjjak” dân dã để nói về nhạc Trot thực ra có nguồn gốc từ từ tượng thanh “kungjjak” thể hiện âm thanh của trống, giống như “boom clap” trong tiếng Anh (hoặc “bùm chát” trong tiếng Việt – chú thích của người dịch). Tuy nhiên, “kungjjak” cũng có thể được sử dụng trong các thể loại khác, vì vậy tôi đã thay đổi từ “kung” thành “ppong” để diễn tả thêm phần trào phúng hơn, cũng là mặt tự chế giễu bản thân. Nhắc đến “Ppong” còn gợi lên một hình ảnh khác. Đó chính là bộ phim người lớn “Ppong” (Mulberry) được chiếu vào năm 1986. Bộ phim đạt được doanh thu cao vào thời điểm đó nên được sản xuất thêm cả các phần tiếp theo. Ppong cũng là từ lóng chỉ ma túy ở Hàn Quốc. Hoặc là châm biếm, hoặc là đỏ mặt xấu hổ, hoặc là đen tối..., những biểu tượng và cảm xúc đa tầng và phức tạp này được cô đọng trong một âm tiết “Ppong” duy nhất.”

Ppongjjak, âm thanh chứa đựng nỗi buồn, sự lãng mạn và niềm vui - là một văn hóa mà chỉ những người sống ở Hàn Quốc mới có thể cảm nhận. Tuy nhiên, phần lớn mọi người không nhìn nó theo hướng tích cực. Ngay từ đầu, bản thân từ “Ppong” chủ yếu mang hình ảnh tiêu cực, cũng như việc đó là một từ hầu như không được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. 250 đã thành công trong việc đưa ppongjjak từ đang bị đánh giá thấp trong bóng tối bước vào thế giới âm nhạc đại chúng, và đó được xem như một thành tựu âm nhạc mới.

Thế giới âm nhạc do 250 khám phá

250 học chuyên ngành sản xuất video âm nhạc tại Đại học Hanseo. Từ những năm 20 tuổi, anh đã làm nhạc cho các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và cũng làm DJ tại Cakeshop, thánh địa của nhạc điện tử ở Itaewon, Yongsan-gu, Seoul. Kể từ đó, tin đồn “xuất hiện một người chơi nhạc khác thường” đã lan tỏa giữa các bar âm nhạc với nhau và anh trở nên nổi tiếng.

Sau đó, được SM Entertainment đặt hàng, anh công bố bản phối lại chính thức các bài hát gốc của những nghệ sĩ K-pop lớn như NCT127, BoA và f(x). Anh cũng sản xuất các tác phẩm “Everywhere” và “Flight” của rapper E Sens được người hâm mộ hip-hop yêu thích cuồng nhiệt.

Và như thế, năm 2018, khi anh bắt đầu công bố loạt phim tài liệu kinh phí thấp “Đi tìm Ppong”, phản ứng trong giới nhạc phần lớn đều nhẹ nhàng như “tưởng chỉ giỏi tạo nhịp (beat), hóa ra cũng khá là hài hước”.

Sau đĩa đơn “Cửa sổ phía sau” năm 2018 và đĩa đơn “Bang Bus” năm 2021 được bàn luận lặng lẽ, cuối cùng vào tháng 3 năm 2022, ngay sau khi album chính thức đầu tiên “Ppong” của anh được phát hành, những người hâm mộ âm nhạc và giới phê bình bắt đầu tích cực hưởng ứng với âm nhạc độc đáo của anh.

250 nói thêm rằng cũng giống như nhạc hip-hop xuất hiện ở Harlem, New York hay thể loại favela funk vang lên ở Rio de Janeiro, Brazil, ppongjjak giống như âm nhạc nền của vùng văn hóa có tên là Hàn Quốc. Về mặt âm thanh, yếu tố được “ghetto” hóa (một dân tộc nhất định nào đó bị cô lập với dân tộc chiếm đa số trong xã hội) chính là sự quyến rũ của ppongjjak mà 250 - một nhà sản xuất nhạc hip-hop xuất thân từ DJ bar âm nhạc đã phát hiện ra ngoài dự kiến.



“Những bài hip-hop thể hiện các bản nhạc từng được những nghệ sĩ biểu diễn vĩ đại hoặc dàn nhạc giao hưởng 50 người ghi lại từ lâu trước đó bằng những thiết bị thô kệch đời sau đều tỏa ra một nét hấp dẫn riêng. Ppongjjak cũng thế.”

Một điều khác anh nhận thấy khi tìm hiểu về ppongjjak chính là sự liên quan đến văn hóa ẩm thực Hàn Quốc.

“Có vẻ như người Hàn Quốc có xu hướng thức ăn phải nóng ăn mới ngon, ví dụ như món canh kimchi hoặc lẩu phải cay và nóng thì người Hàn Quốc mới cảm thấy là đã “ăn ngon”. Cách đây không lâu, tôi đi Bỉ khoảng một tuần và ngay sau khi về nước, tôi cũng đã cùng quản lý đến nhà hàng dành cho các lái xe để ăn canh kimchi hầm. Cũng như đối với người Hàn Quốc thì chỉ có những thứ thật nóng chứ không phải những thứ nửa vời mới có thể làm thỏa mãn họ, tôi nghĩ ppongjjak cũng vì có đặc điểm đó mà được lòng người. Tôi cho rằng, đó là một thể loại âm nhạc lôi cuốn, kết hợp giữa giai điệu thật buồn và một thứ gì đó thật sôi nổi một cách dân dã.”

250 bắt đầu khám phá thế giới “Ppong” vào khoảng năm 2013. Khi còn là DJ tại Cakeshop, anh đã mua một băng cát-xét bản phối lại nhạc ppongjjak tại một trạm nghỉ trên đường cao tốc khi quay trở về từ chuyến đi team bulding với các đồng nghiệp. Mọi chuyện bắt đầu khi mọi người cùng nhất trí phối lại bản nhạc này như một lời nói đùa lúc về đến Seoul. Sự khởi đầu như một trò tinh nghịch đó đã đưa 250 đến tận phạm trù ppongjjak không còn là chuyện đùa.

 

Hương vị quen thuộc của ppongjjak

Thế hệ trẻ ở độ tuổi 10-20 là những khán giả cuồng nhiệt nhất trong thế giới của “Ppong” quen thuộc nhưng xa lạ, quê mùa nhưng lại sành điệu một cách bí ẩn do 250 tạo ra. Đây cũng là thế hệ có khoảng cách xa nhất với thế kỷ XX, thời kỳ ppongjjak tan chảy vào cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc.

“Họ sống trong thời đại mà mọi thứ đều được sắp xếp gọn ghẽ và cắt tỉa đẹp mắt. Vì vậy, họ mê mẩn những chiếc cầu thang lồi lõm của các tòa nhà được xây dựng đã lâu ở khu ngoại ô Seoul thay vì cầu thang vuông vắn ở trung tâm thành phố và dùng máy ảnh phim để chụp. Gần đây, thể loại nhạc đồng quê cũng giành được chỗ đứng trên bảng xếp hạng Billboard. Đó cũng có thể là một hiện tượng tương tự như sự nổi tiếng của nhạc Trot trên các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc trong những năm gần đây.”

Những gì 250 đang đắm chìm vào ngoài âm nhạc dạo này cũng là một loại “lỗi thời”. Anh kể rằng mình đang bị chìm đắm trong những cảnh hành động phi logic xuất hiện trong những bộ phim đầu tiên của Thành Long như bộ phim Hồng Kông “Tiểu quyền quái chiêu (The Fearless Hyena, 1979) được chiếu vào những năm 1970-1980.

"Một lúc nào đó, tôi muốn thử sức mình với nhạc phim. Tôi mong muốn được làm nhạc tất cả những bộ phim như “Vùng đất câm lặng” (A Quiet Place, 2018) buộc mọi người phải tập trung cao độ vào âm thanh, bộ phim quy mô lớn như “Kẻ cắp giấc mơ” (Inception, 2010) - những bộ phim thắng thua bằng giai điệu.”

Thật trùng hợp, bộ phim tài liệu kinh phí thấp “Đi tìm Ppong” của anh đã chính thức được trình chiếu trên màn ảnh rộng lần đầu tiên tại Liên hoan phim quốc tế Bucheon vào mùa hè năm 2023.

“Tôi không có bất kỳ hình mẫu cụ thể nào, nhưng tôi chỉ muốn làm tất cả, nếu đó là điều có thể làm ở khía cạnh âm nhạc như nhà sản xuất âm nhạc Quincy Jones và nhà soạn nhạc kiêm nhạc sĩ Ryuichi Sakamoto (1952- 2023) thử nghiệm các thể loại âm nhạc.”

Dự án tiếp theo của 250 sẽ không phải là “Ppong 2” như tiêu đề của phần tiếp theo của loạt phim người lớn Hàn Quốc. Anh đã đặt tiêu đề cho dự án tiếp theo của mình là “America”.

Với “Ppong”, tôi đã làm nhạc Hàn Quốc nên giờ tôi phải thử âm nhạc Mỹ. Đây sẽ có thể là một album chứa đựng những tưởng tượng của tôi về nước Mỹ mà tôi ngưỡng mộ thời còn đi học và âm nhạc Mỹ mà tôi thường thích thú lắng nghe.

Định nghĩa về “Ppong” sau bảy năm nghiên cứu vẫn tiếp tục thay đổi ngay cả trong vòng của 250. Bây giờ, tại thời điểm này, định nghĩa của anh về “Ppong” như sau.

“Có lẽ ppongjjak chính là thứ giống như gói gia vị của mì ăn liền Hàn Quốc mà đã là người Hàn Quốc ai cũng biết. Khi chúng ta nấu món canh kimchi mà thấy thiếu thiếu gì ở đâu đó thì chúng ta thường thêm một ít súp ramyeon đúng không. Vậy thì món ăn sẽ có “hương vị quen thuộc”. Đó không phải là một công thức cao cấp và cũng có thể không phải là đáp án đúng, nhưng đó là một vị quen thuộc và chắc chắn là một hương vị nào đó làm thỏa mãn và cuốn hút vị giác. Có lẽ, đó là mảnh ghép cuối cùng mà người Hàn Quốc tìm kiếm khi họ cảm thấy đang thiếu một điều gì đó.”

2_250_세종문화회관_13.png

Nghệ danh 250 có cách đọc là “ee-oh-yeong” (phiên âm tiếng Hàn của số 2, 5, 0 – chú thích của người dịch) gần giống với tên thật của nghệ sĩ là Lee Ho-hyeong. Thế nhưng, tất cả mọi người đều đọc là “ee-oh-gong” (cách đọc khác của 2, 5, 0 – chú thích của người dịch).
(c) Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sejong

3_2023KMA_250_9.png

Anh đã giành được bốn giải thưởng tại Giải thưởng Âm nhạc Đại chúng Hàn Quốc cho album đầu tay “Ppong”. Đặc biệt, ý nghĩa sâu sắc của các giải thưởng Album điện tử xuất sắc nhất và Bài hát điện tử xuất sắc nhất dành cho “Ppong” đó chính là việc “Ppong” đã được công nhận là âm nhạc điện tử.
© Beasts And Natives Alike

Lim Hee-yun - Nhà phê bình âm nhạc
Dịch. Nguyễn Thị Phương Mai

전체메뉴

전체메뉴 닫기