메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2023 AUTUMN

Young Shop Owners Revitalize Market

Ngày càng có nhiều người trẻ khởi nghiệp hoặc tiếp nối công việc kinh doanh của gia đình ở các chợ truyền thống. Chú trọng cá tính và sự sáng tạo, họ đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua các kênh YouTube hoặc mạng xã hội, đồng thời xây dựng thương hiệu bằng cách nâng cao chất lượng và thiết kế của sản phẩm. Những thương nhân trẻ này đang giữ vai trò chủ đạo trong việc đổi mới chợ truyền thống.
1송정역 메인.png

Vào giữa những năm 2010, chính quyền địa phương, Hyundai Card và công ty tư vấn thương hiệu Philobiblon Associates đã hợp tác tiến hành dự án cải tạo trên quy mô lớn chợ Ga Seongjeong 1913, một khu chợ truyền thống ở quận Gwangsan, thành phố Gwangju có bề dày 110 năm lịch sử. Đặc biệt, sự sôi nổi hoạt bát của các tiểu thương trẻ đã mang đến luồng sinh khí mới cho khu chợ cũ.
ⓒ Hyundai Card, Philobiblon Associates


Suốt một thời gian dài, chợ truyền thống vẫn còn bó hẹp trong cách nhìn là nơi buôn bán kinh doanh giữa những người bán lớn tuổi và người mua ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên gần đây, nhiều người tiêu dùng trẻ và những khách hàng có sức tiêu thụ lớn đã nhận ra sức sống mới của chợ truyền thống mà trước đây họ ngoảnh mặt làm ngơ. Cùng với sự gia tăng về số lượng những thương nhân trẻ có óc sáng tạo và năng lực marketing, cũng như sự xuất hiện đa dạng của các nội dung phản ánh những nét đặc trưng của chợ truyền thống, ngày càng có nhiều khách hàng trẻ tuổi tìm đến với các khu chợ này.

Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các thương nhân trẻ tại chợ truyền thống bắt nguồn từ sự nhận thức của họ về tiềm năng của mô hình kinh doanh này. Không đơn thuần xem chợ chỉ là nơi kiếm sống, họ còn nhìn nhận đây là không gian có thể xây dựng thương hiệu thể hiện cá tính và ý tưởng của bản thân. Không khó để bắt gặp những tiểu thương trẻ ở chợ truyền thống, bởi nơi đây có sự tương hợp về mặt lợi ích giữa những người buôn bán lâu năm muốn vực dậy mô hình chợ truyền thống đang trong cơn khủng hoảng với những người trẻ muốn kiến tạo tương lai và phong cách sống mới. Đương nhiên không phải người trẻ nào tham gia kinh doanh ở các chợ truyền thống cũng đều thành công. Nhưng họ vẫn xem đây là vùng đất của cơ hội, nơi họ tìm ra cho mình con đường từ những khó khăn và va vấp thực tế.

Thúc đẩy Cửa hàng Thanh Niên

2특집 6_전주 남부시장 청년몰_김경기(1).png

Những gian hàng khó tìm thấy ở chợ truyền thống trước đây như hiệu sách, cửa hàng lưu niệm, xưởng thủ công nhỏ,... nay đã có mặt ở khu Cửa hàng Thanh niên thuộc tầng 2 của chợ Nambu Jeonju. Đây là khu Cửa hàng Thanh niên đầu tiên của Hàn Quốc được chính phủ và chính quyền địa phương thành lập vào năm 2012 nhằm phục hồi chợ truyền thống đang trì trệ. Đến nay, nơi này vẫn hoạt động tốt, trở thành động lực để thu hút các khu Cửa hàng Thanh niên tại các khu chợ truyền thống toàn quốc.
ⓒ Twinkia

Tại Jeonju Nambu, chợ truyền thống tiêu biểu của tỉnh Jeollabuk, có một khu đặc biệt gọi là “Cửa hàng Thanh niên”, một không gian chung sống và làm việc do những người trẻ cùng nhau tạo nên. Đây là khu tập hợp những cửa hàng của các tiểu thương trẻ, được chính phủ và chính quyền địa phương thiết lập nhằm vực dậy chợ truyền thống đang trong tình trạng trì trệ. Năm 2012, khu gian hàng thanh niên đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập. Tuy quy mô không lớn, nhưng nơi đây quy tụ hàng chục cửa hàng kinh doanh các ngành nghề đa dạng, có cá tính và ý tưởng riêng như nhà hàng, quán rượu, tiệm cà phê, nhà sách, cửa hàng đồ lưu niệm,... Các tiểu thương trẻ nơi đây cùng nhau quản lý, từ việc vận hành khu chợ cho đến việc dọn dẹp vệ sinh.

Khẩu hiệu “Kiếm vừa phải, sống thật tốt” treo ở lối vào khu Cửa hàng Thanh niên nói lên nhận thức của những nhà kinh doanh trẻ. Họ tin tưởng có những giá trị còn quan trọng hơn tiền bạc. Họ trải lòng: “Chúng tôi muốn tạo ra một không gian tràn ngập những câu chuyện nhân văn sống động hơn là hướng đến lợi ích trước mắt”. Bầu không khí khu chợ dần thay đổi khi một, hai thanh niên bắt đầu đến đây kinh doanh gian hàng. Các tiểu thương nơi đây tiếp đón khách hàng với tư duy dịch vụ khác trước, tích cực đưa vào cả những xu hướng mới nhất như cung cấp dịch vụ giao hàng, chuyển phát,... Những nguyên vật liệu cần thiết đều được cung ứng trong chợ. Các tiểu thương cùng hỗ trợ nhau tồn tại bằng việc cung cấp nguyên vật liệu với giá phải chăng.

Không khó để bắt gặp trường hợp các nhà kinh doanh trẻ thành công tại Cửa hàng Thanh niên chợ Nambu rồi sau đó mở thêm cửa hàng ở nơi khác. Bên cạnh đó, những tiểu thương trẻ đến trước còn tự đảm nhận vai trò hướng dẫn cho những người đến sau. Bằng việc chia sẻ, truyền lại những kinh nghiệm và bí quyết kinh doanh của bản thân, những thương nhân trẻ tạo nên những giá trị vượt lên trên cả vấn đề buôn bán kinh doanh.

Những thanh niên nối nghiệp gia đình

Có một cửa hàng hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống Dongbu, thành phố Seosan, Chungcheongnam-do suốt hơn 70 năm qua. Đây là cửa hàng gia truyền kinh doanh rong biển sấy khô và tảo nâu gamtae đến nay là đời thứ ba. Người chủ cửa hàng hiện tại sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã rời quê hương Seosan đến nơi khác tìm kiếm công ăn việc làm, sau đó anh hồi hương và tiếp nối gia nghiệp. Anh chia sẻ phải mất hơn mười năm để học toàn bộ công việc của gia đình, từ khâu sản xuất, lưu thông, giao hàng đến phân phối. Trong khu chợ này có khoảng hơn 20 thanh niên kế nghiệp gia đình kinh doanh các lĩnh vực ngành nghề đa dạng như cửa hàng gà, hải sản, cửa hàng thịt,... Chợ truyền thống cũng tìm lại được sức sống của mình khi số thanh niên nối nghiệp gia đình ngày một tăng.

Ở chợ Jaeil, thành phố Uijeongbu, Gyeonggi-do cũng có cửa hàng bán banchan (món ăn kèm) được truyền từ đời bà ngoại cho mẹ, rồi người mẹ truyền lại cho con trai. Cửa hàng đã có mặt tại khu chợ này 50 năm. Người chủ hiện tại bắt đầu bằng việc phụ giúp mẹ buôn bán, sau đó anh dần tiếp quản cửa hàng. Anh cũng tự tay làm các món ăn và cả kim chi như bố mẹ anh từng làm.

Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều thanh niên nối nghiệp kinh doanh của gia đình tại chợ truyền thống là do có sự thay đổi trong nhận thức của họ. Trước đây, nhiều người trẻ miễn cưỡng tiếp quản việc buôn bán được truyền lại, nhưng nay thì khác. Thanh niên ngày nay tin rằng họ có khả năng thể hiện bản thân qua cách kết hợp phương thức kinh doanh hiện đại với kiểu buôn bán truyền thống của thế hệ cha mẹ mình.

Muôn hình muôn vẻ phương thức kinh doanh

3DSC_1381.png

Daehyun Sanghoe là cửa hàng kinh doanh bột của cô chủ trẻ tuổi tại chợ trung tâm Mangmi, thành phố Busan. Để mở rộng thị trường mới, cửa hàng đã thành công tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của họ bằng cách một mặt bằng việc giữ vững chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất, mặt khác thiết kế bao bì cao cấp, vận hành mạng lưới bán hàng trực tuyến.
ⓒ Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ)

Những thương nhân trẻ có phương thức kinh doanh đa dạng cùng giá trị quan rõ ràng. Họ nhận thức chợ truyền thống là thị trường “đại dương xanh” (blue ocean: thị trường còn nhiều khoảng trống chưa khai phá, ít sự cạnh tranh - chú thích của người dịch) hơn là “đại dương đỏ” (red ocean: thị trường truyền thống đã khai thác lâu đời, có sự cạnh tranh khốc liệt - chú thích của người dịch). Sử dụng thành thạo internet cùng mạng xã hội, không khó để họ mở rộng phạm vi khách hàng trên toàn quốc cho dù cửa hàng không mấy lớn và khang trang. Hơn nữa với cái nhìn thoáng hơn so với quan điểm cố hữu, họ không nghĩ chợ truyền thống chỉ phù hợp với một vài ngành nghề nhất định.

Tự hào với hơn 110 năm lịch sử, chợ trung tâm thành phố Sangju, Gyeongsangbuk-do giữ vai trò to lớn với tư cách là trung tâm kinh tế của khu vực trong suốt thời gian dài. Nhưng hiện nay, chợ trung tâm đang đối diện với cuộc khủng hoảng có thể bị giải thể do tình trạng dân số giảm và nguy cơ khu vực bị xóa sổ. Giữa bối cảnh đó, vài năm trước, 10 tiểu thương trẻ đã vào kinh doanh gian hàng ở khu chợ này. Họ lựa chọn những ngành nghề dường như không mấy phù hợp với chợ truyền thống như tiệm hoa, quán cà phê món tráng miệng chay, studio bong bóng,...

Không chỉ có sự đổi mới trong việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh, phương thức vận hành của họ cũng khác biệt. Cửa hàng quần áo Lounge-ju tại đây là một ví dụ. Chủ cửa hàng kinh doanh bằng cách phát trực tiếp (livestream) và làm đại lý bán hàng cho công ty khác. Ngày nay, các kênh quảng cáo trở nên đa dạng như mạng xã hội, trang mua sắm trực tuyến, YouTube, v.v. Các nhà kinh doanh trẻ cũng ưu tiên tạo ra những nội dung gần gũi, chia sẻ đời sống sinh hoạt thường ngày của mình như vlog (một dạng nhật ký ngắn được trình bày trên nền tảng video - chú thích của người dịch). Hình thức vận hành này không những giúp họ phát triển bản thân mà còn làm thay đổi toàn bộ thị trường chợ truyền thống.

Sự lựa chọn hấp dẫn

4다희마켓 연탄키링 사진.png

Các Cửa hàng Thanh niên tại chợ Sabuk, Jeongseon-gu, Gangwon-do đang nâng cao khả năng cạnh tranh của họ bằng những nội dung có màu sắc riêng, phản ánh điểm đặc trưng của khu vực đã từng có ngành khai thác than rất phát triển trong quá khứ. Bức ảnh chiếc móc khóa hình than tổ ong là một sản phẩm được yêu thích tại gian hàng đồ lưu niệm Dahee Market trong khu Cửa hàng Thanh niên.
ⓒ Dahee Market

5슈슈마카롱(4).png

Khu Cửa hàng Thanh niên của chợ trung tâm tại Samcheok, thành phố du lịch tiêu biểu của bờ biển Donghae gần đây trở nên khá nổi tiếng. Những xưởng đồ thủ công nhỏ xinh, quán cà phê và nhà hàng tạo được bầu không khí tốt đang góp phần làm mới hình ảnh già cỗi của chợ truyền thống. Hình ảnh một set quà macaron dễ thương được bán tại cửa hàng Chou Chou Macaron.
ⓒ Cung cấp bởi Chou Chou Macaron

Đối với thế hệ thanh niên có mối quan tâm lớn đến tự chủ tài chính và khởi nghiệp, chợ truyền thống giờ đây nổi lên như một sự lựa chọn hấp dẫn. Lấy hoạt động gian hàng ở chợ truyền thống làm chủ đạo, họ tiếp cận khách hàng ngoài khu vực một cách tích cực thông qua các cửa hàng trực tuyến hay nền tảng trang web. Bằng nhiều hình thức, họ tối đa hóa hiệu quả tiếp thị, tạo mạng lưới kết nối với khách hàng, đồng thời tạo hiệu ứng cộng hưởng thông qua các sự kiện phục vụ cư dân địa phương. Sự hỗ trợ của chính phủ và chính quyền địa phương như giảm tiền thuê mặt bằng, cho vay vốn khởi nghiệp, tư vấn giáo dục,... cũng trở thành nguồn trợ lực cho những nhà kinh doanh trẻ.

Tất nhiên, vẫn còn không ít vấn đề nan giải về thiếu hụt cơ sở hạ tầng như bãi đậu xe hay trả mặt bằng kinh doanh giữa chừng,... Tuy nhiên, sự tham gia vào thị trường của những thanh niên muốn tự khai phá con đường của riêng họ đang góp phần làm sôi động nền kinh tế khu vực, góp phần vào sự tăng triển liên tục của chợ truyền thống. Thông qua những ý tưởng đổi mới của các nhà kinh doanh trẻ, chúng ta hy vọng vào tương lai của chợ truyền thống đang chuyển mình ngày một tươi sáng trẻ trung hơn.


Kim Jae-hyunPhóng viên Nhật báo Hankook Ilbo
Dịch.Mai Kim Chi, Mai Xuân Huyên

전체메뉴

전체메뉴 닫기