메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2023 WINTER

CÁCH THỨC SINH TỒN CỦA THỂ LOẠI NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH

Kỹ thuật luôn là vấn đề quan trọng trong nghệ thuật thị giác. Lý do là vì kỹ thuật làm thay đổi hình thức và nội dung của nghệ thuật, thậm chí làm thay đổi định nghĩa về nghệ thuật. Hiện nay, khi hệ sinh thái kỹ thuật số đã trở nên vững chắc hơn, các thể loại nghệ thuật phụ thuộc vào phương thức sáng tạo analog như hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ đang dần thoát khỏi những quy phạm vốn có và chuyển đổi để đón nhận công nghệ kỹ thuật số.
1_05A5213-1.png

Toàn cảnh buổi triển lãm cá nhân “Autopilot” của nghệ sĩ Jackson Hong diễn ra tại Phòng Triển lãm Perigee tọa lạc ở Seocho-dong, Seoul vào năm 2016. Anh cho ra mắt những tác phẩm dao động giữa ranh giới của thiết kế và mỹ thuật thuần túy, các công trình nghệ thuật của anh mang đến những ý nghĩa mới mẻ về xã hội, chính trị và kinh tế.
ⓒ Phòng Triển lãm Perigee


2_LJW00356-Edit.png

Nhân ngư hoàng kim. Kim Han-saem. 2022. Thủy tinh, vàng lá, mực in Pigment, nhựa resin, đá thạch anh. 7.5 x 7.5 x 6cm.

3_ljw-4.png

Xông vào. Kim Han-saem. 2022. Thủy tinh, vàng lá, mục in Pigment, nhựa resin, đá mookaite. 5 x 9.5 x 8cm.

4_loc-18.png

Ác ma trong lớp sắt. Kim Han-saem. 2021. Nhôm lá, mực in Pigment, nhựa resin, 97 x 80 x 11cm.

5_loc-87.png

Bảo thạch trong rừng. Kim Han-saem. 2021. Nhựa acrylic, vàng lá, mực in Pigment, nhựa resin. 54 x 31 x 16cm.
Kim Han-saem cụ thể hóa những tiểu văn hóa mà anh ấy tiếp xúc một cách tự nhiên trong quá trình trưởng thành, trong đó có những câu chuyện kỳ ảo (fantasy) thời trung đại, thành đồ họa pixel và dữ liệu trong quá trình này được chuyển hóa thành vật chất có thể cảm nhận được.
ⓒ Kim Han-saem

Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình bắt đầu từ những năm 1990, khi Apple phân phối rộng rãi dòng máy Macintosh (tên gọi cũ của nhãn hiệu máy tính Mac ngày nay – chú thích của người dịch). Vào thập niên 2000, giới nghệ thuật tạo hình đón nhận công nghệ CNC (Computer Numerial Control, một phương pháp sản xuất trừ, tạo ra các thiết kế có hình dạng tùy chỉnh từ phôi thông qua điều khiển máy tính – chú thích của người dịch), máy in 3D và tiếp tục mở ra một bước ngoặt mới sau năm 2020, khi trình tạo hình ảnh AI (AI Image Generator) được thương mại hóa.

Kỹ thuật số thông tin hóa và đồng thời phi vật chất hóa thế giới. Vì vậy, thoạt nhìn, những tác phẩm nghệ thuật tạo hình - chú trọng vào việc tạo ra tính vật chất thông qua vật chất hóa - dường như đi ngược lại xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, các thể loại nghệ thuật cổ điển cũng tích cực phê bình kỹ thuật và tìm kiếm giải pháp bằng cách diễn giải lại. Đặc biệt, công nghệ kỹ thuật số phụ thuộc vào dữ liệu giúp tăng hiệu quả làm việc và giảm cường độ lao động nên việc các nghệ sĩ đương đại đón nhận công nghệ này là hiện tượng hết sức tự nhiên. Trong số những tác giả trẻ sinh vào những năm 1980-1990, khá nhiều người đã và đang thử nghiệm giới hạn của công nghệ kỹ thuật số và cho ra đời những tác phẩm độc đáo.

Điều đáng chú ý ở đây là ranh giới giữa các thể loại đang bị xóa nhòa do sự ứng dụng của công nghệ. Điều này được xem như là mối đe dọa đối với sự tồn tại độc lập của thể loại nghệ thuật truyền thống nhưng trái lại, nó cũng đặt ra câu hỏi về định nghĩa của nghệ thuật cũng như làm phong phú thêm những điều kiện tồn tại của nghệ thuật. Hội họa trở thành điêu khắc, điêu khắc trở thành dữ liệu và thủ công trở thành hội họa. Các tác phẩm thoát khỏi những quy phạm của mỹ thuật truyền thống vốn xem trọng chất liệu và phương pháp, có thể chuyển hóa tự do giữa vật thể và dữ liệu, giữa kỹ thuật số và analog cho thấy thực trạng của những thể loại truyền thống trong thời hiện đại.

Phương thức xử lý dữ liệu

Kim Han-saem tốt nghiệp đại học chuyên ngành hội họa. Trong một cuộc phỏng vấn, anh cho biết “Tôi không quen vẽ tranh sơn dầu trên vải canvas”. Là con người sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, anh ấy đã quen với việc vẽ trên máy tính hơn. Sau khi tốt nghiệp, anh vẫn quyết định dùng những phương pháp quen thuộc với bản thân.

Họa sĩ Kim thiết kế các bản vẽ kỹ thuật số của mình ở định dạng game nhập vai (RPG) đồ họa 16 bit. Trước tiên, anh vẽ tranh bằng phần mềm máy tính và in dữ liệu đó ra giấy. Sau đó, bằng cách kết hợp ấn phẩm với các vật liệu in như đá, thủy tinh hay gỗ MDF, dữ liệu được truyền từ thế giới kỹ thuật số sang môi trưởng analog. Anh đích thân tạo ra các khung hoặc tấm bảng gắn vào tác phẩm in của mình, cùng với bức tranh tạo nên câu chuyện của tác phẩm. Cách thức sáng tạo mang tính thủ công của anh đem lại trải nghiệm về xúc giác cho người xem. Về phương diện này, tác phẩm của họa sĩ Kim được gọi là những “dữ liệu có thể chạm vào” và do đó chiếm một vị thế rất đặc biệt.

Từng theo học chuyên ngành thiết kế công nghiệp, Jackson Hong là một nghệ nhân vượt qua ranh giới giữa kỹ thuật số và mỹ thuật. Anh thường khám phá tính khả biến của sự vật có thể được diễn giải khác nhau tùy vào bối cảnh cũng như mối quan hệ giữa sự vật và con người. Ngoài ra, anh cũng quan tâm đến việc thị giác hóa phương thức chế tạo sự vật, và điều này sẽ khả thi khi một tác phẩm có nền tảng là dữ liệu. Cũng giống như nhà thiết kế công nghiệp, anh xây dựng dữ liệu trước và sau đó biến nó thành hiện thực. Thế nhưng ngược đời thay, dữ liệu này được tạo ra thông qua một quy trình đòi hỏi tinh thần của người thợ thủ công và công nghệ kỹ thuật. Những tấm thép được cắt bởi máy CNC dựa theo dữ liệu và sau đó được các bàn tay của kỹ sư uốn cong và hàn để tạo ra hình dạng.

Dữ liệu trong tác phẩm của Jackson Hong là một công cụ hoàn hảo nhưng đồng thởi cũng thể hiện ý đồ của tác giả trong việc tự do sáng tác, không chịu ràng buộc bởi các trật tự và quy phạm nghiêm ngặt. Chẳng hạn như chuỗi tác phẩm “Cross Hatching” là những bản vẽ được chế tác bằng cách sử dụng lỗi kỹ thuật số một cách có chủ ý. Điều này nhằm chống lại sự chuẩn hóa và hoàn hảo tuyệt đối, cũng như đưa ra những cách hiểu khác nhau. Vì thế, bản vẽ của anh là những tác phẩm mang tính độc lập, vượt xa ngoài những chức năng đơn giản và có thể được gọi là những tia X trong trí tưởng tượng.

Phương thức in 3D

6_서울시립북서울미술관 제공(2).png

Khung cảnh triển lãm “Trò chơi tìm đồ của Jackson Hong” (Drawing and Playing with Jackson Hong) tổ chức vào năm 2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Buk-Seoul. Trong buổi triển lãm hướng đến đối tượng là trẻ em này, tác giả đưa ra cách thức suy nghĩ sáng tạo và thoát khỏi những quan niệm cố hữu bằng cách đảo ngược mục đích sử dụng của đồ vật.
Ảnh chụp bởi Kim Sang-tae, cung cấp bởi Bảo tàng Mỹ thuật Buk-Seoul

7_2021, 만족이프로젝트, PLA필라멘트, 스테인레스강선, 가변설치.png

Dự án MANJOY. Kim Ji-min. 2021. Dây tóc PLA, dây thép không gỉ, lắp ráp tùy biến.
Quang cảnh buổi triển lãm cá nhân “ENVy7” của nghệ sĩ Kim Ji-min tổ chức tại UARTSPACE, Cheongdam-dong, Seoul năm 2021. Gần đây anh sử dụng kỹ thuật in 3D và cho ra mắt những tác phẩm trào phúng về nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện đại.
Cung cấp bởi Kim Ji-min

Từng theo học chuyên ngành điêu khắc, nghệ nhân Kim Ji-min trong suốt thời gian qua đã trình làng một phương pháp sáng tạo nghệ thuật bằng cách khâu các nhãn hiệu lại với nhau một cách thủ công và có phần tốn công sức. Gần đây, khi lấy hiện tượng tâm lý của xã hội tiêu dùng làm chủ đề cho tác phẩm. anh đã thay đổi hình thức tác phẩm từ analog sang kỹ thuật số. Đặc biệt, đối với “Dự án MANJOY” thì kỹ thuật in 3D là một chiến lược vô cùng hiệu quả. Anh sử dụng kỹ thuật số để nhanh chóng tạo ra hàng loạt icon có hình dạng giống nhau và nhờ đó có thể thể hiện chúng theo nhóm, qua đó truyền tải thông điệp, chủ đề một cách hài hước.

Tuy nhiên, kỹ thuật in 3D không thể làm tất cả mọi thứ nên anh ấy cũng kết hợp vào các phương pháp chế tác điêu khắc truyền thống. Chẳng hạn như trong chuỗi tác phẩm “Skull”, anh tạo ra bản gốc bằng kỹ thuật tạc tượng truyền thống, sau đó chuyển bản gốc này sang dữ liệu kỹ thuật số bằng máy quét 3D và cho ra tác phẩm khác là “Coloring N. 108”. Anh cũng áp dụng dữ liệu tương tự cho những tác phẩm cỡ lớn như “Inside Out”. Đó là nhờ dữ liệu kỹ thuật số có thể được in ra ở bất kỳ tỷ lệ nào.

Mặt khác Oh Se-rin, một nghệ nhân tìm tòi nghiên cứu về hội họa phương đông và công nghệ mỹ thuật kim loại, đã kết hợp nhiều yếu tố, kỹ thuật đa dạng và tạo ra hiệu ứng thị giác siêu thực. Diễn ra vào năm ngoái tại phòng triển lãm FOUNDRY SEOUL tọa lạc ở Itaewon, Seoul, “Boong-ke ở nhiệt độ trong rừng” (Forest Temperature Bunker) là triển lãm cá nhân được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa các tác phẩm gốm sứ và sản phẩm in 3D. Những tác phẩm trưng bày giải thích một cách ẩn dụ mâu thuẫn của con người đối với vấn đề môi trường nhưng vẫn liên quan mật thiết với chủ đề “Sự mô phỏng và mưu mẹo” ở các tác phẩm trước.

Các tác phẩm của cô khi nhìn từ xa rất khó để phân biệt đâu là tác phẩm gốm sứ và đâu là sản phẩm in 3D. Cô đã sử dụng dữ liệu mô hình hóa không gian nguồn mở trên internet để thực hiện in 3D. Dữ liệu được kết hợp và thay đổi thông qua phần mềm 3D, sau đó được in bằng máy in FDM (Fused, Deposition Modeling, phương pháp sáng tạo bằng cách nung chảy vật liệu ở nhiệt độ lớn hơn nhiệt độ nóng chảy và vẽ các đường nét có độ dày nhất định). Sản phẩm trông có vẻ siêu thực nhưng đó là vì các yếu tố có độ phân giải khác nhau được in trong cùng điều kiện.

 



DỆT NÊN CÁC PIXEL

8_BF5 SO_FTB_Installation View 1©Kyung Roh.png

Oh Se-rin là một nghệ sĩ đã quan sát cách thức “bản gốc” được sao chép và biến đổi trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Gần đây, chủ đề trong tác phẩm của cô được mở rộng bằng cách kết hợp kỹ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống với kỹ thuật tối tân. Trong hình là buổi triển lãm cá nhân “Boong-ke ở nhiệt độ trong rừng” tổ chức năm 2022 tại Phòng Triển lãm FOUNDRY SEOUL, Itaewon, Seoul.
ⓒ Roh Kyung

9_5.★기사에 언급_차승언_Sudden Rules-Bay-2_갤러리 로얄(2).png

Sudden Rules-Bay-2. Cha Seung-eun. 2017. Sợi polyester, thuốc nhuộm. 230 x 455cm.
Thoạt nhìn, tác phẩm của Cha Seung-eun có vẻ là một bức tranh phẳng, nhưng khi xem xét kỹ hơn thì tác phẩm ấy được tạo ra bằng kỹ thuật dệt. Nghệ sĩ Cha một mặt nhìn lại những di sản của mỹ thuật thế kỷ XX, mặt khác khám phá yếu tố tạo nên những tác phẩm hội họa trừu tượng có ý nghĩa ngày nay bằng cách vượt qua ranh giới giữa phương Đông và phương Tây, thị giác và xúc giác, tinh thần và vật chất.
ⓒ Cha Seung-eun

Cha Seung-eun diễn giải lại kỹ thuật dệt truyền thống bằng bối cảnh hiện đại. Người nghệ sĩ theo chuyên ngành nghệ thuật vải sợi và hội họa tự giới thiệu bản thân là “người đang thực hiện công việc tái tạo các tác phẩm được quan tâm thuộc hội họa trừu tượng thế kỷ XX bằng phương pháp dệt”.

Một tác phẩm tiêu biểu của cô là “Sudden Rules-Bay-2”, sự trộn lẫn giữa “The Bay” của họa sĩ theo chủ nghĩa trừu tượng Mỹ Helen Frankenthaler và “Quy tắc bất ngờ” (Subitement la Loi) của họa sĩ Hàn Quốc Rhee Seund-ja. Cô chuyển tác phẩm của Rhee Seund-ja thành dữ liệu, sau đó thiết kế lại thành dữ liệu dệt theo cấu trúc bề mặt của pixel và xuất ra sản phẩm bằng máy dệt Jacquard. Cô tiếp tục áp dụng kỹ thuật vẻ vết ố lên vải canvas của Frankenthaler vào các tác phẩm in. Đây cũng là thử nghiệm nhằm cho phép tác giả cho phép trật tự và sự ngẫu nhiên cùng tồn tại trong một không gian thông qua kỹ thuật dệt và nhuộm vải.

Những câu hỏi về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và kỹ thuật dệt cũng rất quan trọng trong những tác phẩm của cô. Nghệ sĩ Cha chuyển đổi ngôn ngữ thành dữ liệu, mã hóa và sử dụng chúng vào việc dệt vải. Chẳng hạn như cô đã dùng một thiết bị chuyển đổi và mã hóa những câu như “Before your birth” (tạm dịch Trước khi bạn sinh ra) hay “Your love is better than life” (tạm dịch Tình yêu của bạn tuyệt vời hơn cuộc sống), thiết kế dữ liệu đó trên một bản dệt nháp và sau đó bắt đầu dệt chính thức. Đây được xem là một thử nghiệm nhằm xóa nhòa ranh giới giữa ngôn ngữ và nghệ thuật.



Cho Sae-mi - Nhà phê bình mỹ thuật
Dịch. Trần Công Danh

전체메뉴

전체메뉴 닫기