메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Focus

2023 WINTER

HÀNH TRÌNH HỒI HƯƠNG CỦA DI SẢN VĂN HÓA

Có khoảng 229.000 di sản văn hóa Hàn Quốc đang thất tán ở nước ngoài (tính đến tháng 1 năm 2023). Trong số đó, kể từ khi thành lập (tính đến tháng 8 năm 2023), Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài đã thu hồi được 1.200 cổ vật thông qua hình thức hiến tặng, đấu giá. Trong số đó, nhiều cổ vật có giá trị được công nhận là bảo vật quốc gia.
1_묘법연화경(2).png2_묘법연화경(4).png

Kinh Diệu pháp liên hoa, quyển 6. Ước tính được chế tác vào thế kỷ XIV. Được chép tay nạm vàng và bạc trên giấy dó. Kích cỡ 27,6 × 9,5cm (khi gấp), 27,6 × 1.070cm (khi mở), độ dày 1,65cm.
< “Kinh Diệu pháp liên hoa, quyển 6” là tả kinh Goryeo được thu hồi từ Nhật Bản vào tháng 3 năm 2023, gồm “Biện tương đồ” và “Kinh văn” ghi lại nội dung chính của kinh Phật. Tả kinh là việc biên chép lại kinh điển Phật giáo. “Kinh Diệu pháp liên hoa” là cuốn kinh thuyết giảng rằng con đường trở thành Phật luôn mở ra cho mọi người, nó có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tư tưởng Phật giáo ở Hàn Quốc.
ⓒ Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc


Tháng 7 vừa qua, Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài (OKCHF) đã nhận được khoản đóng góp tổng cộng là 1.516 cổ vật bao gồm các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại, cùng những bức ảnh do chính cặp vợ chồng người Mỹ là Gary Edward Mintier và Mary Ann Mintier chụp lại. Các cổ vật này được hai vợ chồng sưu tầm, ghi lại bằng hình ảnh về một nền văn hóa Hàn Quốc mê hoặc trong quá trình sinh sống tại Seoul và Busan từ năm 1969 đến năm 1975.

Trong số đó có cả những cổ vật giúp chúng ta khám phá sự đa dạng của hội họa thời kỳ hiện đại, kèm những tư liệu vô cùng quý hiếm còn sót lại đến ngày nay. Đặc biệt, những tấm ảnh ghi lại sinh hoạt đời thường và phong cảnh của Busan vào những năm 1970 là tư liệu quý, tái hiện bức tranh sinh động của lịch sử hiện đại Hàn Quốc. Để kỷ niệm điều này, Bảo tàng Busan đã tổ chức cuộc triển lãm đặc biệt trong một tháng mang tên “Busan năm 1970, góc nhìn đặc biệt trong cuộc sống đời thường”.

3_대동여지도_사진.png

Đại đông dư địa đồ. Thế kỷ XIX. Kích cỡ 30 × 20cm (mỗi cuốn), khoảng 6.7 ×4m (khi mở).
“Đại đông dư địa đồ” là bản đồ toàn lãnh thổ gồm 22 cuốn, do Kim Jeong-ho - nhà địa lý thời Joseon chế tác và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1861, sau đó được ông chỉnh sửa một phần nội dung, tái bản lại vào ba năm sau. Bản đồ thu hồi lần này có đặc điểm là cung cấp thông tin địa lý chi tiết hơn bằng cách thêm nội dung “Đông dư đồ” - một bản đồ toàn lãnh thổ khác cũng do Kim Jeong-ho chế tác vào năm 1864. Tính cả phần mục lục thì nó có tổng cộng 23 cuốn.
ⓒ Cục Di sản Văn hóa

Hiến tặng tự nguyện

Được thành lập vào năm 2012, Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài tiến hành điều tra thực trạng di sản văn hóa Hàn Quốc bị lưu lạc ra nước ngoài trong một thời gian dài vì nhiều lý do khác nhau, đồng thời hỗ trợ các bảo tàng hoặc phòng trưng bày nghệ thuật địa phương trong công tác bảo tồn, quản lý, nghiên cứu và sử dụng cổ vật được tốt hơn. Mặt khác, cơ quan này có trách nhiệm thu hồi di sản văn hóa thông qua nhiều phương thức như kêu gọi đóng góp, đấu giá. Theo Quỹ, tính đến tháng một năm 2023, di sản văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài lên đến 229.655 cổ vật tại 27 quốc gia. Trong đó, Nhật Bản được xem quốc gia đang nắm giữ số lượng di sản văn hóa Hàn Quốc nhiều nhất với 95.000 cổ vật, Mỹ có khoảng 65.000 cổ vật.

Quá trình thu hồi di sản văn hóa ở nước ngoài rất phức tạp và khó khăn. Nếu một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nước ngoài đang sở hữu hiện vật từ chối việc trả lại thì khả năng thu hồi thấp. Ngay cả khi cổ vật bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp vẫn rất khó để thu hồi nếu xét đến Luật pháp quốc tế hiện hành. Vì vậy, hình thức thu hồi cổ vật chủ yếu được thực hiện thông qua sự hiến tặng tự nguyện của các cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia; hoặc được trao trả theo thỏa thuận ngoại giao; mua trong phiên đấu giá hoặc giao dịch cá nhân; trao trả trên thực tế dưới hình thức cho thuê dài hạn. Trong số đó, cách thu hồi di sản theo hình thức hiến tặng nhờ vào thiện chí của chủ sở hữu là phổ biến nhất. Kể từ khi thành lập, tính đến tháng 8 năm 2023, Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài đã thực hiện 1.204 chuyến hồi hương di sản văn hóa, thu hồi 2.482 cổ vật, phần lớn trong số đó được trở về nhờ vào hiến tặng. Việc đem tài sản do bản thân lao tốn tiền bạc, thời gian và công sức sưu tầm biến thành tài sản công là một nghĩa cử cao đẹp.

Trong số di sản văn hóa được hiến tặng như vậy, có những cổ vật được công nhận giá trị lịch sử, học thuật, nghệ thuật và trở thành di sản văn hóa quốc gia. Một trường hợp tiêu biểu là tấm bia sứ Buncheong của Yi Seon-je có khảm dòng chữ “năm Cảnh Thái thứ 5”, được chỉ định là bảo vật quốc gia vào năm 2018. Đây là tấm bia mộ (ghi lại tên, thân phận, công lao của người đã khuất) của Yi Seon-je, một học giả nghiên cứu tại Jiphyeonjeon - cơ quan nghiên cứu học thuật thời Joseon. Cổ vật này được công nhận là bảo vật của quốc gia do được đánh giá là thể hiện được nét đặc trưng bia đá thời bấy giờ. Cổ vật này đã trở về Hàn Quốc vào năm 2017, khi người vợ Todoroki Kunie bày tỏ ý muốn hiến tặng sau sự ra đi của người chồng Todoroki Tatashi - một nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật người Nhật.

4_일영원구.png

Nhật ảnh viên cầu. 1890. Đồng, sắt. Cao 23,8cm, đường kính hình cầu 11,2cm.
Không giống với những đồng hồ mặt trời thời Joseon thường có hình bán cầu, “Nhật ảnh viên cầu” có cột trụ dựng trên chiếc đế hình cánh hoa, bên trên đặt quả cầu hình tròn. Đây là cổ vật quan trọng thể hiện trình độ phát triển khoa học công nghệ thời bấy giờ. Di sản văn hóa này được mua lại thông qua phiên đấu giá ở Mỹ vào tháng 3 năm 2022.
ⓒ Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc

Những cổ vật quý hiếm

Trong số các di sản hồi hương năm nay, đáng chú ý nhất là “Đại đông dư địa đồ” - bản đồ bán đảo Triều Tiên được chế tác vào cuối thời Joseon (1392 - 1910) và “Kinh Diệu pháp liên hoa, quyển 6” - di vật từ thời Goryeo (918-1392).

“Đại đông dư địa đồ” là bản đồ toàn lãnh thổ được chế tác lần đầu tiên bởi Kim Jeong-ho (Kim Chính Hạo, 1804?-1866?), một nhà địa lý đồng thời cũng là người chuyên vẽ bản đồ thời Joseon, bằng cách khắc lên mộc bản vào năm 1861 và được chỉnh sửa lại một phần nội dung vào ba năm sau đó. “Đại đông dư địa đồ” được thu hồi về lần này là bản sửa đổi từ bản in khắc gỗ năm 1864 của Kim Jeong-ho, có kèm thêm thông tin từ một bản đồ khác của ông là “Đông dư đồ”. Nó càng mang ý nghĩa đặc biệt khi có phần bố cục và nội dung khác với “Đại đông dư địa đồ” thuộc sở hữu của các tổ chức tại Hàn Quốc. Sự hiện diện của tấm bản đồ này đã được xác nhận khi một nhà sưu tầm người Nhật đem nó rao bán, còn Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài đã thu hồi thông qua đấu giá.

“Kinh Diệu pháp liên hoa, quyển 6” là bản biên chép một phần “Kinh Diệu pháp liên hoa” trên giấy. Kinh điển được chép lại cẩn thận trên giấy, trang trí trang trọng, được gọi là “tả kinh” (biên chép kinh Phật). Tả kinh này được tạo ra bằng cách nhuộm giấy dó với màu nước chàm – một nguyên liệu nhuộm màu tự nhiên truyền thống của Hàn Quốc vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, sau đó phết thêm một lớp keo dán truyền thống để viết chữ, vẽ tranh bằng bột vàng và bột bạc lên trên. Cổ vật quý hiếm này được trả về Hàn Quốc khi nhà sưu tập người Nhật bày tỏ muốn bán lại cho Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài.

Năm 2022 vừa qua có tổng cộng 10 hiện vật được thu hồi về, trong số đó, “Nhật ảnh viên cầu” - một chiếc đồng hồ mặt trời cầm tay vào thế kỷ XIX, đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Cổ vật này là đồng hồ mặt trời hình cầu dạng cầm tay được xác nhận đầu tiên ở Hàn Quốc, thể hiện trình độ công nghệ khoa học cao của thời Joseon. Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài đã thành công đưa cổ vật này về Hàn Quốc sau khi một nhà sưu tập tư nhân đem nó ra đấu giá tại Hoa Kỳ.

 



Di sản văn hóa quốc gia

Trong số các di sản văn hóa được Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài thu hồi gần đây, “Độc thư đường khế hội đồ” - tác phẩm vào thế kỷ XVI và “Văn tổ phi thần trinh vương hậu vương thế tử tần sách phong trúc sách” (Trúc thư sắc phong hoàng hậu Shinjeong làm vợ thế tử Hyomyeong) đã được công nhật là bảo vật quốc gia vào năm 2023. “Khế hội đồ” là bức tranh mô tả cảnh họp mặt kèm thông tin của những người tham dự. “Độc thư đường khế hội đồ” được đem về từ nước Mỹ vào năm ngoái, bức tranh được cho là từ các quan thần vẽ lại vào năm 1531 để kỷ niệm cuộc hội ngộ của họ. Hiện vật này cũng được thu hồi thông qua phiên đấu giá tại Mỹ với chủ sở hữu là người Nhật.

Trong khi đó, “Trúc thư sắc phong hoàng hậu Shinjeong làm vợ thế tử Hyomyeong” thuộc sở hữu của nhà sưu tập tư nhân người Pháp, đã được một doanh nghiệp Hàn Quốc mua trong phiên đấu giá vào năm 2018 rồi tặng lại cho Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài. Trúc thư là dạng văn kiện khắc lệnh vua lên các thẻ tre, dùng khi sắc phong hoàng thế tử, hoàng thế tử phi, hoàng thế tôn. Cuốn sách này được chế tác vào năm 1819, khi Hoàng hậu Shinjeong (Thần Trinh) - mẹ vua Heonjong (Hiến Tông, trị vì 1834-1849) được phong làm thế tử phi của thế tử Hyomyeong. Hiện vật này là biểu tượng cho nghi lễ quan trọng của hoàng gia Joseon, thể hiện tính nghệ thuật vượt trội và phẩm cách văn hóa hoàng gia. Đặc biệt, hiện vật này vốn nằm ở Oegyujanggak (Ngoại khuê chương các), đảo Ganghwa - nơi lưu giữ thư tịch của hoàng gia Joseon được cho là đã bị thiêu cháy cùng với các thư tịch khác trong cuộc Byeongin Yangyo (Bính Dần dương nhiễu) năm 1866, nên chuyến hồi hương của nó càng gây được tiếng vang.

Các di sản văn hóa trở về quê hương theo nhiều cách khác nhau, được lưu giữ trong các cơ quan chuyên ngành như bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật sau khi trải qua quá trình điều tra, nghiên cứu và bảo tồn khoa học của các chuyên gia. Từ đó, các cổ vật được bảo tồn, quản lý, sử dụng như một nguồn tư liệu lịch sử, văn hóa quý giá dành cho nghiên cứu, triển lãm và giáo dục.
5_죽책_국립고궁박물관.png

Trúc thư sắc phong hoàng hậu Shinjeong làm vợ thế tử Hyomyeong. 1819. Tre, đồng thau, lụa. 25 × 102cm.
Được chế tác vào năm Hoàng hậu Shinjeong được sắc phong làm thái tử phi của thế tử Hyomyeong, cổ vật cho thấy diện mạo một trúc thư điển hình của hoàng gia Joseon, cũng như tính nghệ thuật vượt trội của một sản phẩm thủ công. Hiện vật ghi lại thông tin cá nhân của người nhận sắc phong, kèm những lời răn khuyến khích làm việc tốt, tránh xa điều xấu.
ⓒ Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc





Doh Jae-kee - Phóng viên báo Kyunghyang
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기