메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2023 SPRING

VƯƠN TỚI VỊ TRÍ TRUNG TÂM CỦA THỊ TRƯỜNG MỸ THUẬT CHÂU Á

Từ vài năm trước, các phòng trưng bày lớn của nước ngoài liên tục đổ bộ vào Hàn Quốc, tạo nên mối quan tâm lớn về ảnh hưởng của nó đối với nhận thức của giới mỹ thuật Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, hội chợ triển lãm Frieze Seoul khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, Seoul vào tháng 9 năm 2022 đã khiến người ta kỳ vọng về khả năng Seoul có thể trở thành trung tâm mới của thị trường mỹ thuật châu Á.


Diễn ra đồng thời với Kiaf Seoul tại COEX ở Gangnam, Seoul vào tháng 9 năm 2022, Frieze Seoul liên tục đón khách tham quan từ trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn với sự quan tâm đặc biệt. Đây là bức ảnh gian hàng triển lãm của Phòng trưng bày Acquavella, nơi trưng bày tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng như Andy Warhol và Jean-Michel Basquiat.
ⓒ Frieze Seoul, ảnh Lets Studio

Các giám tuyển của hai bảo tàng ở New York là Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại và Bảo tàng Guggenheim đã gặp nhau giữa lòng Seoul thay vì New York. Không chỉ vậy, lãnh đạo của nhiều bảo tàng và phòng trưng bày nổi tiếng thế giới như Tate Modern và Phòng trưng bày Serpentine ở London, Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles, Bộ sưu tập Pinault ở Paris, cũng đã xuất hiện tại đây. Chính Frieze đã tập hợp họ lại một nơi.

Mặc dù góp mặt khá muộn khi lần tổ chức đầu tiên chỉ mới diễn ra năm 2003 tại Anh, nhưng Frieze đã trở thành một trong hai hội chợ mỹ thuật lớn nhất thế giới, cùng với hội chợ triển lãm Art Basel khởi đầu năm 1970 tại Thụy Sĩ. Frieze đã xây dựng phòng trưng bày dạng lều trại tại công viên Regent, London để trình làng các tác phẩm thử nghiệm, tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, sau đó tiến vào New York năm 2012, và Los Angeles năm 2019.

Kể từ đại dịch COVID-19, sự quan tâm đến nội thất gia tăng do nhiều người làm việc tại nhà, cùng với xu hướng mua sắm bù (revenge spending) cộng dồn với cơn khát thụ hưởng văn hóa đã khiến thị trường mỹ thuật trở nên sôi động. Trong bối cảnh ấy, Frieze đã chú ý tới Seoul như một đơn vị tiền trạm tiến vào châu Á và tuyên bố tổ chức hội chợ Frieze Seoul vào tháng 9 năm 2022. Thời gian qua, mỹ thuật Hàn Quốc được đánh giá là có tiềm năng lớn nhưng chưa chứng tỏ hướng đi đúng. Trong bối cảnh đó, Frieze đã đưa mỹ thuật Hàn Quốc lên sân khấu quốc tế để thử nghiệm.

Lễ hội được chào đón nồng nhiệt

Khách tham quan đang chụp ảnh trước “Cửa sổ trên cao (Cuộc sống hạnh phúc)” (High Windows (Happy Life)) - một tác phẩm năm 2006 của Damien Hirst. Gian hàng treo những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài nhưng hiếm thấy ở Hàn Quốc đã trở thành khu vực chụp ảnh.
ⓒ Frieze Seoul, ảnh Lets Studio



“Ở Hàn Quốc, chúng tôi được gặp lại những khách hàng mà mình đã từng gặp tại Art Basel Thụy Sĩ. Thật đáng ngạc nhiên!”Park Won-jae, đại diện của Phòng trưng bày One & J. đã phát biểu như vậy với vẻ mặt đầy xúc động trong ngày mà Frieze Seoul - triển lãm nước ngoài lần đầu tiên có mặt ở Hàn Quốc - khai mạc cùng lúc và cùng địa điểm với Kiaf Seoul - triển lãm uy tín hàng đầu Hàn Quốc với truyền thống 20 năm.

Chúng ta từng đến các hội chợ mỹ thuật hàng đầu trên khắp thế giới, nhưng ngay cả trong mơ chúng ta cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sự kiện như vậy sẽ được tổ chức tại Seoul. Frieze Seoul có 110 phòng trưng bày đến từ 21 quốc gia, và Kiaf Seoul có 164 phòng trưng bày đến từ 17 quốc gia. Có nhiều du khách nước ngoài tại lễ khai mạc đến nỗi người ta nghe thấy tiếng Anh nhiều hơn cả tiếng Hàn.

Frieze Seoul có thể tóm gọn trong hai chữ “tuyệt vời”. Gagosian, Phòng trưng bày Lisson và Hauser & Wirth - ba trong số những phòng trưng bày hàng đầu thế giới lần đầu tiên có mặt tại Hàn Quốc - đã bán được các tác phẩm trị giá hàng chục tỷ won chỉ sau một giờ đồng hồ khai mạc. Người đại diện của Hausser & Wirth ở New York cho biết: “Khách mua các tác phẩm này, ngoài những nhà sưu tập cá nhân của Hàn Quốc còn có các bảo tàng mỹ thuật tư nhân Nhật Bản và các nhà sưu tập Trung Quốc”. Như thể đã đoán trước được ngày này, nhiều phòng trưng bày đã sớm đặt văn phòng đại diện ở Hàn Quốc và có lượng bán ổn định hơn. Perrotin - đơn vị triển lãm tham gia cả hai hội chợ Frieze và Kiaf - cho biết đã bán hết sạch tác phẩm trong ngày đầu tiên.

Các hội chợ mỹ thuật không chính thức công bố doanh thu, nhưng người đại diện của một phòng trưng bày ở New York đã phỏng đoán rằng: “Tổng doanh thu của Frieze Seoul có lẽ lên đến 650 tỷ won”. Con số này nghe cũng có vẻ hợp lý.

Hội chợ mỹ thuật được tổ chức không chỉ nhằm mỗi mục đích bán tác phẩm mà còn chú trọng vào việc nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng, và Frieze Seoul đã cho thấy rõ điều này. Khách tham quan xếp hàng dài trước các bức tranh hiếm thấy ở Hàn Quốc như tranh của Egon Schiele hay bức “Cô gái đội mũ bê-rê đỏ chóp bông” (Girl with a Red Beret and Pompom, 1937) của Pablo Picasso, đông đến mức nơi đây trở thành khu vực chụp ảnh của hội chợ mỹ thuật. Đặc biệt, khách tham quan trẻ ở độ tuổi 20, 30 quan tâm đến các bản thảo thời trung cổ, các bản đồ cổ và những di vật Ai Cập mà thông thường chỉ có thể gặp ở các bảo tàng nước ngoài.

Tại sao Seoul lại được chọn?

Gian hàng triển lãm của Phòng trưng bày P21 với bức “Chuyến du lịch lớn của nhà vua Chuyến đi đến Ching Chen - Sự hồi sinh của Ông Kim” (Big King Travel Ching Chen Tour - Mr. Kim's Revival) (2019) của họa sĩ Ryu Sung-sil. Nếu các phòng trưng bày nước ngoài trưng bày tác phẩm của các họa sĩ lớn để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật phương Tây và những tác giả đương đại xuất sắc nhất, thì các phòng trưng bày của Hàn Quốc lại trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng thời kỳ hiện đại và các nghệ sĩ trẻ tiềm năng.
ⓒ Frieze Seoul, ảnh Lets Studio



Việc Seoul được chọn là điểm đến đầu tiên trên hành trình tiến vào châu Á của Frieze đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trước ngày khai mạc. Simon Fox - giám đốc điều hành của Frieze - cho biết: “Chúng tôi chọn Seoul làm nơi tổ chức đầu tiên ở châu Á vì nơi đây có nhiều bảo tàng, phòng trưng bày và tác giả”, đồng thời bày tỏ rằng: “Tôi hy vọng trong tương lai, mối quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục được duy trì”. Ông cũng nói thêm: “Hiện tại, làn sóng Hàn Quốc bao gồm K-pop, điện ảnh, phim truyền hình, thời trang và kiến trúc đang có ảnh hướng lớn trên toàn cầu nên tôi không thể không đến đây”.Francis Ballin, giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Christie's - một công ty đấu giá quy mô toàn cầu từng tổ chức sự kiện triển lãm cùng lúc với Frieze Seoul, đã đánh giá cao khả năng phát triển của Seoul như một thành phố văn hóa khi nói rằng: “Sức mạnh nội tại của mỹ thuật hay cơ sở hạ tầng của giới mỹ thuật Hàn Quốc rất vững chắc”. Sau khi giới thiệu bức họa của Agnes Martin với cựu giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Leeum Hong Ra-hee, chủ tịch Phòng triển lãm Pace Marc Glimcher đã nói: “Thị trường mỹ thuật Hàn Quốc có khả năng tăng trưởng cao nhờ vào hoạt động của các nhà sưu tập trẻ và giàu có - những người có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn sau đại dịch, bên cạnh lực lượng những nhà sưu tập hùng hậu trước đó”. Ông chia sẻ thêm: “Chúng tôi cũng tích cực giới thiệu nhiều tác giả khác nhau để đáp ứng thị hiếu của họ”.

Quy mô thị trường mỹ thuật của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization of Economic Co-operation and Development - OECD) trung bình là 0,2% tổng sản lượng quốc dân. Hàn Quốc liên tục duy trì mức 0,02% - tức là chỉ bằng 1/10 so với OECD - nhưng năm ngoái tổng số tiền giao dịch đã vượt quá 1 nghìn tỷ won, đạt 0,04%. Mặc dù cần phải tăng trưởng gấp năm lần nữa mới ngang hàng các nước OECD, nhưng thị trường Hàn Quốc có đủ tiềm năng phát triển. Thêm vào đó, động lực tăng trưởng của thị trường mỹ thuật thế giới đang dần dịch chuyển sang châu Á. Lý do Art Basel được tổ chức tại Hồng Kông năm 2013 cũng là vì sự xuất hiện của những người trẻ giàu có mới nổi từ Trung Quốc đến Tây Nam Á. Theo cơ quan nghiên cứu thị trường mỹ thuật Pháp Artprice, châu Á chiếm 40% thị phần mỹ thuật toàn cầu trong năm 2021.

Việc thay đổi thế hệ cũng có thể được xem là một nguyên nhân. Theo báo cáo “Thị trường mỹ thuật năm 2021” do Art Basel và UBS đồng xuất bản, thế hệ Millennials (còn gọi là thế hệ Y, gồm những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000 - chú thích của người dịch) chiếm 52% giới sưu tập giàu có trên toàn thế giới, chứng tỏ họ có sức ảnh hưởng gấp bốn lần thế hệ Baby Boomer - thế hệ cha mẹ của họ. Ngoài ra, thế hệ Millennials chi trung bình 228.000 USD cho tác phẩm mỹ thuật, gấp đôi thế hệ Baby Boomer chi trung bình chỉ 109.000 USD.

Khả năng tiếp cận cũng rất quan trọng. Seoul có mạng lưới hàng không quy mô lớn nhất thế giới nên dễ dàng được tìm đến từ bất cứ đâu. Trong suốt thời gian diễn ra Frieze, các khách sạn tại Gangnam bao gồm phường Samcheong và Hannam - những nơi tập trung nhiều phòng trưng bày nghệ thuật - đã đặc biệt được hưởng lợi. Nằm ở vị trí đắc địa gần nhất với nơi tổ chức Frieze là COEX, khách sạn InterContinetal đã được đặt kín, trong đó 60% khách đến từ Trung Hoa đại lục. Hồng Kông - trung tâm của thị trường mỹ thuật châu Á - có lợi thế là miễn thuế và rất dễ dàng tiếp cận với Trung Hoa đại lục. Nếu sự kiện năm ngoái hướng đến các phòng trưng bày nước ngoài cùng các đơn vị liên quan, thì sự kiện năm nay hứa hẹn thu hút nhiều lượt khách cá nhân hơn, khi mà đại dịch ở Trung Hoa đại lục đang có dấu hiệu kết thúc.

Mặt khác, các nhà sưu tập nước ngoài đến Hàn Quốc hồi năm ngoái đã bày tỏ và hứa hẹn rằng: “Tôi được gặp các ngôi sao Hallyu ở khắp mọi nơi và điều này khiến tôi phấn khích không kém gì khi được xem các tác phẩm trong triển lãm. Năm sau, tôi nhất định sẽ trở lại đây cùng các con mình, chúng đều là những fan hâm mộ K-pop”.

Bài toán cần giải quyết

Khách tham quan đang chiêm ngưỡng các tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Yang Hye-gyu tại gian hàng của Phòng trưng bày Kukje. Năm ngoái, trong số 110 phòng trưng bày từ 21 quốc gia tham gia Frieze Seoul có 12 phòng trưng bày của Hàn Quốc, bao gồm Phòng trưng bày Kukje.
ⓒ Frieze Seoul, ảnh Lets Studio

Các phòng trưng bày của Hàn Quốc tham gia Frieze Seoul chủ yếu giới thiệu các họa sĩ tên tuổi thời kỳ cận hiện đại và những tác giả trẻ tiềm năng. Ví dụ, Phòng trưng bày Hakgojae tập trung giới thiệu các họa sĩ theo trường phái trừu tượng thế kỷ XX của Hàn Quốc như Ryu Kyung-chae (1920-1995) và Ha In-du (1930-1989). Một nhà mỹ thuật nước ngoài đến thăm gian hàng đã ngưỡng mộ thốt lên rằng: “Không ngờ lại có những nghệ sĩ và tác phẩm như vậy”.

Giới mỹ thuật Hàn Quốc đã mong đợi hiệu ứng nhỏ giọt khi tổ chức đồng thời hai hội chợ Kiaf và Frieze. Quả thật đã được như vậy, truyền thông nước ngoài đã đặc biệt tập trung đưa tin về mỹ thuật Hàn Quốc, và khách tham quan Frieze cũng tham quan Kiaf một cách tự nhiên. Tôi không thể quên gương mặt của Thaddaeus Ropac khi ông ngắm nghía rất kỹ các gian hàng của Kiaf trong ngày đầu tiên khai mạc. Điều hành phòng trưng bày Thaddaeus Ropac - một phòng trưng bày danh tiếng ở châu Âu mở chi nhánh châu Á đầu tiên ở Seoul, dù ở đâu ông cũng nổi bật với vẻ ngoài quý tộc. Một Ropac như vậy lại rảo quanh các gian hàng với những bước chân gấp gáp, phấn khích đến đỏ bừng mặt. Trong khi các nhà sưu tập Hàn Quốc chăm chú thưởng ngoạn và mua các tác phẩm tại Frieze thì các nhà sưu tập nước ngoài lại thích tham quan các phòng trưng bày của Kiaf hoặc đi quanh gian hàng của các nhà mỹ thuật Hàn Quốc.

Woo Chan-kyu - đại diện của Hakgojae - đã phát biểu rằng: “Năm ngoái, thông qua Kiaf và Frieze, chúng tôi nhận thấy vị thế văn hóa của Hàn Quốc đã thay đổi”. Ông cũng dự đoán rằng: “Văn hóa không chỉ phát triển độc lập trong một lĩnh vực đơn lẻ, mà khi âm nhạc phát triển, văn học và mỹ thuật sẽ cùng phát triển theo. Tôi cho rằng thời đại K-art sẽ chính thức khởi đầu từ bây giờ”.

Hiện nay, giới mỹ thuật Hàn Quốc không nên chỉ đặt mục tiêu vào doanh thu mà cần mở rộng nền tảng phát triển K-art, cũng không nên lấy sự sang trọng làm vũ khí để cạnh tranh với các phòng trưng bày hàng đầu của Frieze. Sức mạnh nội tại của chúng ta không phải là đại trà (boutique) mà là độc nhất (unique). Chúng ta hãy nhớ lại thành công của bộ phim truyền hình “Trò chơi con mực” (Squid Game), phim điện ảnh “Ký sinh trùng” (Parasite) và nhóm nhạc BTS. Bài toán đặt ra cho giới mỹ thuật Hàn Quốc là tăng cường sức mạnh của nội dung thông qua việc tìm kiếm những nghệ sĩ mới ở trong nước. Chúng ta phải giới thiệu các dự án và tác phẩm độc đáo có thể truyền cảm hứng cho những khán giả nước ngoài say mê mỹ thuật và những khán giả trong nước đang bắt đầu nuôi dưỡng niềm hứng thú với việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Mùa xuân là thời điểm thích hợp để chuẩn bị cho mùa thu. Năm nay, Frieze Seoul sẽ khai mạc vào ngày 6 tháng 9. “Hẹn gặp lại ở Seoul!”



Cho Sang-inPhóng viên nhật báo Kinh tế Seoul
Dịch. Thân Thị Thúy Hiền

전체메뉴

전체메뉴 닫기