메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 AUTUMN

TIỆM BIDA CUNG CẤP DỊCH VỤ

Mặc dù số lượng đã giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, tính đến năm 2021 có 15.845 quán bida được đăng ký. Trong một cuộc khảo sát với 9.000 người, có khoảng 12,5% nam giới chơi bida trên một lần một năm, tương ứng với 1.125 người trả lời (nhiều câu trả lời). Khách của quán bida chủ yếu là nam giới, lui tới để tiêu khiển, rèn luyện thể thao hoặc giao lưu. Kim Man-yeon, người nói nơi này không phải chỉ là chỗ chơi bida mà là nơi cung cấp dịch vụ, hôm nay cũng chào đón khách hàng với thái độ niềm nở.

Nghỉ hưu sau khi làm việc cho công ty trong 30 năm, Kim Man-yeon đang sống cuộc sống thứ hai với tư cách là chủ quán bida. Ông ấy nói rằng điều quan trọng là phải phục vụ khách hàng bằng cả trái tim.

“Hai bàn okdoldae được đặt tại gác Dongheng (Đông Hạnh), điện Injeong (Nhân Chính) và thi thoảng được các đại thần sử dụng.”
Điện Injeong là chính điện của cung Changdeok (Xương Đức) và okdoldae là bàn chơi bida. Người “chơi bida với các đại thần” là vua Sunjong (Thuần Tông), vị vua cuối cùng của triều đại Joseon. Ông thích chơi bida đến mức đã định ra ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần là “ngày okdol (bida)”.
Ghi chép trên được đưa vào sách ảnh “Sunjong Gukjangrok (Thuần Tông quốc táng lục)”, về tang lễ của vua Sunjong khi ông qua đời năm 1926. Năm 1884, một nhà truyền giáo người Mỹ lần đầu tiên lắp đặt bàn bida ở Jemulpo, và môn bida đã du nhập vào triều đình năm 1909. Thời điểm vua Sunjong yêu thích chơi bida tại hoàng cung, các hội quán bida do người Nhật điều hành cũng phát triển mạnh mẽ. Mugungheon, quán bida đầu tiên do người Hàn Quốc khai trương vào năm 1924, tương truyền rằng được sử dụng như một điểm vui chơi giải trí và gặp gỡ của tầng lớp thượng lưu.


Lời chào chân thành
Bước vào con hẻm của Khu phức hợp Kỹ thuật số ở quận Guro, Seoul, ta có thể thấy biển hiệu của các quán bida xếp thành hàng dài. Bốn giờ chiều thứ Sáu, khi cánh cửa của “Quán bida Da Vinci” mở ra, những tiếng hò reo vui mừng nổ ran từ đám đông náo nhiệt.

Chủ quán bida, Kim Man-yeon, vừa mới đến và đang đi quanh bàn để chào khách. “Ở khu vực này, mỗi tòa nhà đều có một quán bida. Để thu hút khách, cửa hàng phải có gì đó khác biệt, và điều nhận được phản ứng tích cực nhất chính là cách chào hỏi. Người bán có thể đi vòng quanh chào hàng với những câu như “Chào quý khách”, “Quý khách có cần gì không?” hoặc hỏi bông đùa “Bạn nghĩ quán bida sẽ bán gì?”

Khi đột ngột bị hỏi câu này, phóng viên đáp lại: “Quán bida bán dịch vụ phải không?” và lập tức được tán thưởng. “Đúng rồi. Đó là một loại dịch vụ. Chỉ chuyên gia bida mới bán bida. Vì khách đến tiệm để được phục vụ nên người chủ hoặc người quản lý phải thường trực và thể hiện thái độ nỗ lực làm việc. Họ phải luôn đáp ứng nhu cầu khách hàng trước cả khi khách yêu cầu.”

Ông Kim đi làm lúc 4 giờ chiều và tan làm lúc 10 giờ tối khi nhân viên ca tối đến. Lúc này ông cũng không quên nói lời tạm biệt. Họ bắt tay, đập tay và đánh mắt với nhau.

“Khi tuyển một nhân viên mới, điều đầu tiên tôi chia sẻ với họ là cách chào hỏi. Chào hỏi là một cách thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Tôi nghĩ đó là bước đầu của dịch vụ.”

Trước khi mở quán bida, ông đã làm việc ở công ty trong 30 năm. Ông rất nhạy bén với “dịch vụ” nhờ chủ yếu làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng trong văn phòng kế hoạch và điều phối của một tập đoàn lớn.

“Tôi làm việc cho một công ty suốt 30 năm và nghỉ hưu năm 2012. Sau hai tháng hưu, tôi cảm thấy khó thích nghi với việc nghỉ ngơi vì đã quen làm việc cả đời. Tôi suy nghĩ về việc thử làm gì đó và hỏi ý kiến con cái. Con gái thứ hai hỏi tôi: “Ba giỏi việc gì nhất?” Tôi đáp rằng tôi giỏi nhiều thứ, từ chơi đàn ghita cổ điển, golf, bowling, cờ vây và bida, nhưng có lẽ bida là sở trường nhất trong số này. Thế là nó khuyến khích tôi vừa làm vừa chơi. Tôi chơi bida giỏi nhưng không biết cách để vận hành cửa hàng nên đã đến hiệu sách tìm mua một cuốn sách.”

Cuốn sách “Thử mở quán bida xem sao” đã đập vào mắt tôi. Cuốn sách có câu “200 lần thì hưng thịnh, 1,000 thì lần thất bại”. Nếu chơi được 200 điểm, bạn sẽ nỗ lực phục vụ khách hàng, nhưng nếu bạn chơi được 1.000 điểm, bạn sẽ có khuynh hướng dạy họ chơi nên sẽ thất bại.

Tuy nhiên, ông Kim chơi được 1.000 điểm (tiêu chuẩn bida bốn lỗ), đó là năng lực của cơ thủ chuyên nghiệp. Dặn lòng là không được dạy khách chơi, ông bắt tay vào tiếp quản một quán bida. Khi đang trau dồi thêm hiểu biết, ông đã bị quán bida bên cạnh “nẫng tay trên” khách hàng quen vì ở đó có cơ sở vật chất và dịch vụ tốt hơn. Khi lượng khách giảm đến mức sắp sửa không kham nổi tiền thuê mặt bằng, ông Kim quyết định dạy khách hàng chơi bida. Ông bắt đầu đăng tải một chuỗi bài có tiêu đề “Bida là toán học và vật lý” lên một hội những người yêu thích bida nổi tiếng trên internet.

“Ở trung học cơ sở và trung học phổ thông, bạn học các công thức, nhưng khi vào đại học, bạn học quá trình tạo ra các công thức. Trong sách hướng dẫn bida hiện tại chỉ cung cấp các công thức. Nếu chỉ học thuộc lòng những công thức này thì cũng sẽ nhanh chóng quên đi. Nếu hiểu được nguyên lý của nó thì sẽ có sức sáng tạo. Tôi tập trung vào điều đó. Sau một năm tìm hiểu nguyên lý của các cách chơi bida, tôi đã in từng tờ một đưa cho khách.”

Tình hình có khả quan hơn một chút nhưng tiệm vẫn lỗ. Khi ông đang băn khoăn có nên đóng cửa tiệm hay không, một tuyển thủ quốc gia môn bida mà ông quen đã gợi ý dời tiệm đến Khu phức hợp Kỹ thuật số ở quận Guro, Seoul. Khu phức hợp này mới được xây ở khu công nghiệp Guro có nhiều công ty IT san sát nhau, quy tụ hầu hết những người mới bước chân vào xã hội. Dân cư ở đây di chuyển nhiều nên lúc nào cũng đông nghẹt.

“Khi tôi đến vào khoảng sáu giờ tối, mọi người đã xếp hàng dài đến ga tàu điện ngầm và tan ca như một đoàn diễu hành. Lần thứ hai đến thì tôi đã ký hợp đồng luôn.”

Ông đã dẹp quán bida đầu tiên sau hai năm và chuyển đến vị trí hiện tại tám năm trước. Quán rộng 363m2 và có 16 bàn bida. Tiền thuê một tháng là 10 triệu won và doanh số ngày đầu tiên chỉ được 300 nghìn won nhưng chưa đầy nửa tháng đã lên đến con số hơn một triệu won. Ông đã trích 10% doanh thu của năm để tái đầu tư, đổi trang thiết bị và bàn bida. Cửa hàng mở cửa từ 10 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau, nhưng đôi khi đóng cửa lúc 5 giờ sáng nếu có khách. Khách hàng ban ngày chủ yếu là những người trên 60 tuổi tận hưởng thời gian nghỉ hưu nhàn rỗi. Buổi tối sau giờ làm việc, tiệm rất đông khách hàng là nhân viên văn phòng ở độ tuổi từ 30 đến 50. Vào sáng sớm, những người trong độ tuổi từ 10 đến 20 lấp đầy chỗ ngồi. Trung bình mỗi ngày quán bida của ông đón hơn 100 khách hàng.

 

Dịch vụ khác biệt thu hút khách hàng

Đối với Kim Man-yeon, bida không chỉ là văn hóa giải trí mà còn là một môn khoa học. Trong cuốn sách của mình, ông nói, bida là môn vật lý áp dụng y nguyên các định luật chuyển động của Newton và các góc chuyển động là kiến thức toán học.

Quán bida ngày nào cũng đông đúc khách hàng trên 60 tuổi tận hưởng thời gian nghỉ hưu nhàn rỗi, nhân viên văn phòng sau giờ làm việc và các bạn trẻ vào lúc bình minh.

Lần đầu tiên ông Kim học chơi bida là khi tốt nghiệp cấp ba và đang học tại trung tâm ôn thi lại đại học. Khi được hỏi câu ông có chơi tốt từ đầu hay không, ông đã trả lời: “Không có con đường nào trải thảm sẵn cả, đó là cái giá của sự nỗ lực và nghiên cứu”.

“Khi tôi vào đại học năm 1974, lúc đó vẫn chưa có nhiều loại hình văn hóa giải trí. Chỉ có môn cờ vây hoặc bida. Khoảng 10 năm trước, có một kênh truyền hình tường thuật trực tiếp các trận đấu bida được thành lập, và số lượng người yêu thích bida ngày càng tăng. Khi môn bida được chọn là môn thể thao chính thức của Đại hội Thể thao châu Á Quảng Châu 2010, bida đã được công nhận là một môn thể thao và quán bida, nơi từng là địa điểm giải trí, đã trở thành một cơ sở tập luyện thể thao.”

Tỉ lệ thuận với sự gia tăng của số lượng người chơi bida, quán bida cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Sự gia tăng tinh thần “người cao tuổi khởi nghiệp”, những người mơ về cuộc sống thứ hai sau khi nghỉ hưu cũng đóng góp một phần trong đó. Theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2020, cứ sáu người khởi nghiệp ở độ tuổi trên 60 thì có năm người phá sản. Để tồn tại, bạn phải cung cấp những dịch vụ khác biệt so với người khác.

“Thật tuyệt nếu có khoảng không gian thoáng đãng để ngồi và hít thở. Tuy nhiên, quán bida của chúng tôi đầy ắp bàn bida thật là không thoải mái. Thay vào đó, tôi đã cố gắng rất nhiều để trang bị cơ sở vật chất tốt. Tôi đã lắp đặt VAR (video hỗ trợ trọng tài) trong mỗi bàn bida, vì vậy nếu có tranh cãi xảy ra trong khi chơi, khách hàng có thể kiểm tra video. Khách hàng có thể chơi bida không giới hạn cho đến sáu giờ tối với giá 11.000 won. Mỗi giờ một lần, tôi kéo xe đồ uống đi xung quanh và hỏi: “Quý khách có cần gì không?”. Tôi không treo đồng hồ trên tường. Nếu treo cái gì lên khách hàng sẽ nhìn, nếu có chữ khách hàng sẽ đọc và sẽ bị phân tâm. Tôi cũng không để chuông gọi phục vụ. Phải phục vụ trước khi khách hàng gọi đúng không?”

“Bida là thú vui tiết kiệm nhất lúc tụ tập bạn bè khi về già nghỉ hưu”, ông Kim nói. Bida vừa ít tốn kém vừa giúp vận động trí não nên tốt cho việc phòng bệnh đãng trí. Chuyên mục bida do ông Kim viết đã được xuất bản thành sách và trở nên khá phổ biến trong giới bida. Ông cũng dạy riêng cho những người nghe đồn và tìm tới quán bida.

“Bida là môn vật lý áp dụng y nguyên các định luật chuyển động của Newton và các góc chuyển động là kiến thức toán học”, đây là câu văn được viết trên trang bìa của quyển sách. Khi lật trang sách, một lộ trình xuất hiện cùng hình ảnh và phương trình Pythagoras. Thật không dễ dàng gì có được niềm vui nhìn thấy năng lực người chơi tăng lên rõ rệt từng ngày nhờ vào việc hiểu mà không phải học thuộc công thức.

Không chỉ bida, ông Kim còn có thể chơi đàn ghita cổ điển, golf, bài tây, cờ vây... ở trình độ hơn nghiệp dư, nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Ông quản lý quán từ thứ Hai đến thứ Bảy, còn Chủ nhật thì ông nghỉ để đạp xe leo núi.

“Ước mơ của tôi là có thể chơi đàn ghita cổ điển chúc mừng trong lễ kết hôn của con trai út sinh muộn. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống sau khi nghỉ hưu nhiều nhất có thể”.

Sau 30 năm làm việc, suy nghĩ ban đầu “Mình có nên mở quán bida không?” đã tạo ra nguồn năng lượng mới cho cuộc sống của ông Kim. Đó là cuộc sống thứ hai, nơi vẫn còn rất nhiều điều ông muốn làm và tận hưởng.

Trong quán bida của ông không có nhiều không gian để ngồi thư giãn, nhưng có những trang thiết bị được chăm chút tỉ mỉ để duy trì tình trạng tốt, và có dịch vụ chăm sóc khách hàng trước khi họ yêu cầu.



Hwang Kyung-shinNhà văn
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Nguyễn Thị Ly

전체메뉴

전체메뉴 닫기